NGHỆ ANMưa to liên tục khiến nhiều tuyến đường bị chia cắt cục bộ, nước tràn vào hàng trăm nhà dân ở huyện Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Yên Thành.
Ảnh hưởng của bão Noru, từ tối 28/9 huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai mưa to. Gần 20h, nước ở đập Hóc Cối, xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, dâng cao đe dọa tràn qua thân, xói lở. Chính quyền xã huy động hàng trăm người cùng cán bộ dùng cọc tre, bao cát gia cố.
"Đến 2h sáng nay, việc gia cố tạm dừng, hơn 10 m thân đập có nguy cơ vỡ đã được đắp hêm hàng trăm khối vật liệu. Hiện lực lượng cứu hộ túc trực tại hiện trường để canh giữ đập, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch xã Quỳnh Tam, nói.
Đập thủy lợi Hóc Cối trữ lượng gần 400.000 m3 nước, phục vụ tưới cho hơn 30 ha lúa của xã Quỳnh Tam. Nếu đập vỡ sẽ ảnh hưởng hơn 30 hộ dân ở hạ lưu.
Khuya cùng ngày, nhiều hộ dân ở các xã như Quỳnh Diễn, Quỳnh Lâm, Quỳnh Hồng, Quỳnh Tam, thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, bị nước tràn vào nhà, có nơi sâu hơn một mét. "Nước dâng rất nhanh, cả gia đình hô hoán khênh lúa, tủ lạnh và đồ đạc di tản. Hơn một giờ sau, trong nhà đã ngập hơn nửa mét", chị Hà ở thị trấn Cầu Giát nói.
Từ 18h hôm qua đến sáng nay, lượng mưa ghi nhận tại huyện Quỳnh Lưu là 130 mm, có nơi cao hơn. Hiện, mưa đã giảm, nước rút dần. "Thủy triều đang dâng cao, một số nơi bị công trình cao tốc Bắc Nam đang thi công chắn dòng chảy là nguyên nhân khiến nước rút chậm", lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu nói.
Hơn 22h đêm 28/9, khoảng 15 m taluy đường sắt Bắc Nam qua xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, bị sạt lở khiến tàu không thể lưu thông. Ngành đường sắt huy động hàng chục công nhân gia cố. Đến 5h sáng nay, đường sắt đã thông tuyến.
Các xã Thanh Mỹ, Thanh Thủy, Thanh Liên, Thanh Xuân, thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương, đêm 28/9 có nơi mưa trên 200 mm. Ông Lê Đình Thanh Thanh, Phó chủ tịch huyện Thanh Chương, cho biết lực lượng cứu hộ của huyện và các xã xuyên đêm túc trực tại điểm xung yếu, hỗ trợ dân di dời tài sản, di chuyển lên nơi cao đề phòng lũ quét, sạt lở đất.
Chưa có thống kê cụ thể, song hàng trăm nhà dân ở các xã nói trên đã bị ngập, một số tuyến đường bị chia cắt cục bộ. Sáng nay, học sinh nhiều xã ở Thanh Chương phải nghỉ học.
Các huyện Yên Thành, Diễn Châu thị xã Hoàng Mai, TP Vinh cũng đang thống kê số hộ bị ảnh hưởng do mưa.
Tại Hà Tĩnh, các huyện miền núi mưa to hai ngày qua. Tối 28/9, tại các xã Sơn Kim 2 và Sơn Hồng, huyện Hương Sơn, nước dâng sát nền nhà của nhiều hộ dân, sâu khoảng nửa mét.
Chính quyền đã cử cán bộ đến hỗ trợ người dân di dời tài sản, thiết bị điện tử, điện lạnh lên chỗ cao để tránh hư hỏng. 12 hộ dân thuộc hai xã trên sống tại vùng có nguy cơ sạt lở đất đã được đưa đến nơi an toàn.
"Vợ chồng đưa các con nhỏ sang nhà ông bà gửi lúc tối. Khuya cùng ngày, việc di dời tài sản hoàn tất, song do vội nên tôi quên khiêng hai bì thóc đặt ngoài sân lên kệ cao, giờ bị ngập nên hơi tiếc", chị Tâm, ở xã Sơn Kim 2, nói.
Hiện nay huyện Hương Sơn mưa gián đoạn, nước từ các sông dâng cao gây ngập cục bộ, cô lập 123 nhà dân ở xã Sơn Giang. Các tuyến đường liên thôn, liên xã ở Sơn Tiến, Sơn Bằng, Kim Hoa bị ngập sâu hơn nửa mét. Quốc lộ 8A đoạn qua xã Sơn Kim 1 bị sạt lở, khối lượng đất đá đổ xuống khoảng 1.200 m3, đến nay chưa thông xe.
Noru là cơn bão thứ tư trên Biển Đông trong năm nay, đổ bộ Quảng Nam - Đà Nẵng lúc rạng sáng 28/9. Bão làm 57 người bị thương, chủ yếu ở tâm bão Quảng Nam; hơn 3.000 nhà bị hư hỏng, tốc mái.
Hoàn lưu sau bão kết hợp với một rãnh thấp mới hình thành khiến hôm qua Bắc Trung Bộ mưa to, phổ biến 40-70 mm, có nơi trên 100 mm. Khu vực Hòa Bình, đồng bằng và ven biển Bắc Bộ mưa 20-50 mm, có nơi trên 80 mm...
Dự báo, mưa sẽ duy trì hết ngày mai, phổ biến ở Bắc Trung Bộ 100-250 mm, có nơi trên 300 mm; vùng ven biển, đồng bằng Bắc Bộ và Hòa Bình mưa 70-150 mm, có nơi trên 180 mm. Vùng núi có thể sạt lở đất, vùng trũng ngập lụt.